Câu hỏi tự luận dành cho người Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (Phần 3)

PHẦN 3

CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI PHẦN THI XỬ LÝ TÌNH HUỐNG (30 câu)

Câu 1. Xử lý tình huống Anh công nhân X bị ngã giàn giáo, mọi người cấp cứu thấy anh X bị gãy hở xương cẳng tay. Anh (chị) hãy trình bày phương pháp cấp cứu cho nạn nhân trên.

Đáp án tình huống: Sơ cứu nạn nhân bị gãy hở xương cẳng tay Chuẩn bị dụng cụ: nẹp, băng vải, băng cuộn, bông gạc, thuốc sát trùng Làm sạch quanh vết thương bằng các loại thuốc sát trùng Đặt gạc lên và băng lại Đặt nẹp dài từ mỏm khuỷu tới mu bàn tay; đặt một nẹp từ khuỷu tới gan bàn tay Buộc cố định nẹp Cố định nạn nhân trong tư thế cẳng tay vuông góc với cánh tay, lòng bàn tay ngửa lên trên bằng băng vải vòng qua cổ Cho dùng các loại thuốc giảm đau. Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115

Câu 2. Tình huống cấp cứu Hai anh A và B là công nhân một xưởng sản xuất thép. Do phân loại nguyên liệu không kỹ nên khi hai công nhân đổ nguyên liệu vào lò nấu thì có một vỏ hộp kín lẫn trong nguyên liệu nên vỏ hộp nổ làm hai công nhân bị thương. Anh A bị thương ở mắt phải do bị kim loại bắn vào. Anh (chị) hãy trình bày phương pháp sơ cứu vết thương ở mắt cho nạn nhân A.

Đáp án: Sơ cứu vết thương ở mắt Chuẩn bị dụng cụ: băng cuộn, bông gạc, thuốc sát trùng . Làm sạch xung quanh mắtbằng các loại thuốc sát trùng . Đặt gạc, bông vô trùng lên trên mắt . Bắt đầu băng từ thái dương bên phải vòng qua bên trái, tới chỗ phình xương chẩm trên tai phải, về chỗ bắt đầu (băng hai vòng như vậy) Lần hai đến chỗ phình xương chẩm qua dưới tai phải, chếch lên che kín mắt phải, đưa mép băng qua sống mũi, rồi lại qua trên thái dương đến chỗ phình xương chẩm. Cứ vòng sau đè lên vòng trước ở chỗ tai phải và chếch dần xuống phía trên thái dương cho đến khi băng kín mắt, rồi băng hai vòng trên đầu để cố định. Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115.

Câu 3. Tình huống cấp cứu Chị X là thủ kho của Công ty sản xuất giấy. Trong khi đang làm việc thì bị lô giấy từ trên cao đổ vào người. Chị X ngã ra sàn nhà kho và bị lô giấy đè vào gãy kín xương đùi phải. Để sơ cứu cho chị X, theo anh (chị) phải làm như thế nào?

Đáp án tình huống: Sơ cứu nạn nhân bị gãy kín xương đùi phải. Chuẩn bị dụng cụ: Hai nẹp dài để cố định, băng cuộn, băng gạc. Đặt nẹp để cố đinh: một nẹp từ mắt cá ngoài tới hõm nách, một nẹp từ mắt cá trong tới bẹn. Buộc cố định hai nẹp vào nhau bằng băng cuộn ở các vị trí giữa ngực ngang hõm nách, thắt lưng, chậu hông, đùi, gối, cẳng chân. Cố định hai chi vào nhau ở đùi, gối, cẳng chân. Nâng nạn nhân lên cáng phải đỡ ở các vị trí đầu lưng, giữa thân, đùi và cẳng chân. Cho dùng các loại thuốc giảm đau nếu nạn nhân đau nhiều. Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115. Lưu ý: hạn chế động chạm đến vết gãy.

Câu 4. Xử lý tình huống cấp cứu Anh X được giao nhiệm vụ xi nhan cho cẩu tháp cẩu các bó thép từ xe xuống công trường. Trong quá trình cẩu, một cây thép trên xe móc vào bó thép đang cẩu. Khi nâng cao được 2m, cây thép bỗng bật trở lại đập vào đầu khi anh X đang đứng dưới bó thép để xi nhan.Mũ bảo hộ lao động bị vỡ, anh X bị một vết thương ở đỉnh đầu. Anh (chị) hãy trình bày cách sơ cứu vết thương ở đỉnh đầu cho anh X.

Đáp án tình huống: Sơ cứu vết thương ở đỉnh đầu. Chuẩn bị dụng cụ: băng cuộn, bông gạc, thuốc sát trùng. Bước 1: Bắt đầu băng từ trên tai phải, qua trán, phái trên tai trái, phía dưới xương chẩm, về vị trí ban đầu. Băng thêm một vòng nữa như trên. Bước 2: Lần thứ hai, khi vòng đến giữa chán thì gấp băng lại, ngón cái và ngón trỏ tay trái ấn lấy, đưa băng qua đỉnh đầu tới xương chẩm, nhờ nạn nhân hoặc người khác giữ lấy. Bước 3: Cứ thế băng từ trán xuống gáy lên trán, vòng sau đè lên vòng trước 1/2 cho đến khi băng kín cả đầu thì băng thêm hai vòng quanh đầu như bước 1 để cố định . Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115.

Câu 5. Xử lý tình huống Khi đang kéo xe cải tiến chở phế thải công trình thi công trên sàn tầng 6, bánh xe đè vào dây điện bị hở rải trên sàn, anh A bất ngờ bị điện giật bất tỉnh và ngừng tim. Mọi người đưa ra khỏi nguồn điện và tiến hành cấp cứu. Anh (chị) hãy trình bày phương pháp cấp cứu cho nạn nhân trên.

Đáp án tình huống: Cấp cứu nạn nhân bị ngừng tim (Phương pháp xoa bóp tim ngoài lồng ngực).

- Đặt nạn nhân nằm ngửa trên nền cứng, nằm ngửa tối đa.

- Lau sạch mũi miệng, lấy dị vật ở mũi, miệng (nếu có).

- Người cấp cứu đặt lòng bàn tay trái lên phần nửa dưới xương ức, bàn tay phải để chéo lên góc bàn tay trái.

- Duỗi thẳng 2 tay, ấn thẳng vuông góc với lồng ngực, sao cho xương ức lún sâu xuống 3-4cm.

- Làm nhịp nhàng 60 -70 lần trong 1 phút. - Tiến hành kiên trì tới khi tim đập trở lại. - Sau 1 giờ cấp cứu tim không đập trở lại thì mới thôi.

Câu 6. Xử lý tình huống Chị X là cấp dưỡng cho tổ công nhân một công trường xây dựng. Trong quá trình nấu ăn, do sơ ý nên chị bị bỏng nhẹ. Anh (chị) hãy trình bày phương pháp sơ cứu cho chị X.

Đáp án tình huống: sơ cứu nạn nhân bị bỏng nhẹ. - Dập tắt nguyên nhân gây bỏng

- Nhúng vùng bị bỏng vào vòi nước lạnh ngay lập tức.

- Hoặc đắp chỗ bỏng bằng gạc (khăn tay hoặc khăn tắm) thấm nước lạnh cho đến khi bớt đau.

- Tháo hết các đồng hồ, vòng đeo tay, nhẫn, dây thắt lưng hoặc quân áo chật tại vùng bị bỏng trước khi chỗ bỏng sưng lên.

- Băng lại bằng gạc sạch (vô trùng).

Câu 7. Xử lý tình huống Anh A là công nhân thi công tại tòa nhà 18 tầng. Trong quá trình di chuyển trên sàn tầng 2, anh Abị ngã vào hố chờ thang máy và rơi xuống sàn tầng hầm. Theo nhận định ban đầu, Anh A đã bị gãy cột sống. Theo anh (chị) cần làm gì để sơ cứu cho nạn nhân?

Đáp án tình huống: Sơ cứu gãy cột sống.

- Chấn an nạn nhân, giữ cho họ không được cử động.

- Đặt 2 bàn tay 2 bên tai nạn nhân để giữ cho đầu cố định ở giữa.

- Cố định đầu bằng cách cuốn vải thành cổ áo và đặt quanh cổ nạn nhân. Không để cổ và sống lưng cong.

- Luôn giữ cho cổ và cơ thể trên 1 đường thẳng cả khi đặt nạn nhân vào cáng cứng và trong khi vận chuyển. - Dùng gối, đệm cát chèn 2 bên đầu, 2 bên cổ nạn nhân.

* Chú ý: - Nếu cột sống bị gãy thì nạn nhân có khả năng không di chuyển được nữa. Nạn nhân sẽ không cử động, bạn phải gọi ngay sự hỗ trợ của đội cấp cứu y tế. - Nếu xương sọ bị vỡ có thể máu sẽ chảy ra ngoài tai hoặc mũi, nạn nhân có thể bất tỉnh. Chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Câu 8. Xử lý tình huống Khi đang bắc ván sàn giáo, anh X trượt chân ngã từ sàn giáo xuống đất và bị gãy xương cẳng chân phải. Anh (chị) hãy trình bày cách sơ cứu trong trường hợp trên.

Đáp án tình huống: Sơ cứu nạn nhân bị gãy xương cẳng chân phải.

- Chuẩn bị dụng cụ: Hai nẹp dài, băng cuộn, bông gạc, thuốc sát trùng. Làm sạch quanh vết thương bằng các loại thuốc sát trùng Đặt gạc lên và băng lại Đặt hai nẹp dài từ dưới cổ chân tới giữa đùi, một nẹp ở phía trong, một nẹp ở phía ngoài Đặt bông gạc đệm ở hai bên mắt cá chân, hai bên gối Dùng băng cuộn cố định hai nẹp vào nhau ở giữa đùi, trên và dưới chỗ gãy, cổ chân, bàn chân Cho dùng các loại thuốc giảm đau nếu nạn nhân đau nhiều Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115

Câu 9. Xử lý tình huống Chị X đang di chuyển trên đường đi nội bộ của Công ty thì bị xe nâng hàng va vào. Chị X bị ngã xuống nền đường và gãy xương cánh tay phải. Anh (chị) trình bày cách sơ cứu cho chị X.

Đáp án tình huống: Sơ cứu nạn nhân bị gãy xương cánh tay phải.

* Chuẩn bị dụng cụ: Hai nẹp để cố định, một băng vải to bản, băng cuộn.

* Cách thực hiện:

- Đặt một nẹp từ hõm nách đến khuỷu tay.

- Đặt một nẹp từ vai đến khuỷu tay ở mặt ngoài. - Dùng băng cuộn cố định tại điểm ngang hõm nách, giữa cánh tay, phía trên khuỷu tay.

- Cố định tay nạn nhân trong tư thế cẳng tay vuông góc với cánh tay, bàn tay úp xuống dưới bằng băng vải vòng qua cổ.

- Cho dùng các loại thuốc giảm đau nếu nạn nhân đau nhiều.

- Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115.

Câu 10. Xử lý tình huống cấp cứu Anh A là kỹ sư trắc địa. Trong quá trình đo đạc để thi công cầu bắc qua song Cà Lồ huyện Sóc Sơn phải đo một điểm bên kia sông. Vì ngại đi đường vòng qua cầu xa 7km nên anh A đã tự ý bơi qua sông. Khi bơi cách bờ 4m anh A đột ngột bị chìm xuống nước. Mọi người đưa anh A lên bờ để cấp cứu. Anh (chị) hãy trình bày cách cấp cứu anh A bằng phương pháp hà hơi thổi ngạt.

Đáp án tình huống: Phương pháp hà hơi thổi ngạt.

- Đặt bệnh nhân nằm ngửa, cổ ưỡn, độn vai. - Lau sạch mũi miệng, lấy dị vật ở mũi miệng (nếu có)

- Nới rộng quần áo cho nạn nhân

- Một tay đẩy cằm nạn nhân ra phía trước và lên trên để bệnh nhân há miệng

- Một tay đặt lên trán nạn nhân, bóp chặt 2 lỗ mũi

- Hít một hơi dài, áp miệng mình vào miệng nạn nhân rồi thổi (có thể đặt 1 khăn mùi xoa lên miệng nạn nhân trước khi thổi)

- Khi thổi quan sát xem ngực nạn nhân có phồng lên hay không (nếu ngực phồng lên là được) - Ngửa mặt lên, hít một hơi dài. Bỏ tay đang bịt mũi nạn nhân, để nạn nhân tự thở ra

- Thổi như vậy từ 15-18 lần trong 1 phút, tới khi nạn nhân tự thở được

Câu 11. Xử lý tình huống cấp cứu Anh (chị) hãy trình bày cách xử lý ban đầu khi bị điện giật và phương pháp cấp cứu khi người bị nạn ngừng thở bằng phương pháp hà hơi thổi ngạt.

Đáp án tình huống: Cách xử lý ban đầu khi bị điện giật và phương pháp cấp cứu hà hơi thổi ngạt.

- Nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi dòng điện.

- Không được dùng tay không mà nên mang găng tay cao su hay quấn bao nylon, vải khô, đi guốc dép khô hay đứng đứng trên một tấm ván khô, dùng gậy gỗ khô để tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện.

- Đặt bệnh nhân nằm ngửa, cổ ưỡn, độn vai, lau sạch mũi miệng, lấy dị vật ở mũi miệng (nếu có).

- Nới rộng quần áo cho nạn nhân. - Một tay đẩy cằm nạn nhân ra phía trước và lên trên để bệnh nhân há miệng. - Một tay đặt lên trán nạn nhân, bóp chặt 2 lỗ mũi.

- Hít một hơi dài, áp miệng mình vào miệng nạn nhân rồi thổi (có thể đặt 1 khăn mùi xoa lên miệng nạn nhân trước khi thổi). - Khi thổi quan sát xem ngực nạn nhân có phồng lên hay không (nếu ngực phồng lên là được).

- Ngửa mặt lên, hít một hơi dài. Bỏ tay đang bịt mũi nạn nhân, để nạn nhân tự thở ra.

- Thổi như vậy từ 15-18 lần trong 1 phút, tới khi nạn nhân tự thở được.

Câu 12. Xử lý tình huống cấp cứu Anh/chị nêu phương pháp cấp cứu nạn nhân bị chảy máu trong và chảy máu mũi?

Đáp án: Chảy máu trong còn gọi là xuất huyết nội có thể do thương tích như gãy xương kín, vết thương có vật xuyên thủng cơ quan phủ tạng, dập gan lách hoặc do bệnh như loét dạ dày. Chảy máu trong rất nghiêm trọng mặc dù bạn không nhìn thấy máu chảy. Có thể khi máu dò ra ngoài theo các hốc tự nhiên như: mũi, miệng, tai, máu có trong phân, nước tiểu, trong chất nôn….

* Sơ cứu chảy máu trong: Ngay tại nơi xảy ra tai nạn, bạn là tình nguyện viên sơ cấp cứu nên khó giải quyết, cho nên cần gọi ngay đội cấp cứu y tế hoặc chuyển khẩn cấp đến bệnh viện. Trong khi chờ đợi đội cấp cứu y tế hoặc chuyển đến bệnh viên, bạn đỡ nạn nhân nằm xuống, kê chân họ cao hơn đầu. Theo dõi các dấu hiệu của sốc, nếu có thì sơ cấp cứu sốc.

* Sơ cứu Chảy máu mũi: Bảo người bệnh ngồi xuống, cúi về phía trước, bảo họ không được nuốt máu Bảo họ tự dùng tay bóp hai cánh mũi, cúi người về phía trước và thở qua mồm, trong vòng khoảng 10 phút. Nói họ không được khịt hoặc xì mũi. Khi máu ngừng chảy, dặn họ không được sờ, khịt hoặc xì mũi trong vài giờ. Nếu sau 30 phút máu vẫn chảy, phải chuyển họ đến cơ sở y tế.

Câu 13. Anh/chị nêu phương pháp sơ cấp cứu chảy máu ngoài

Trả lời: 1.1 Trường hợp vết thương nhẹ chảy máu ít: Rửa tay sạch trước và sau khi sơ cứu chảy máu Rửa vết thương bằng nước sạch, có thể rửa dưới vòi máy Nếu là vết thương nhẹ như sướt da chỉ có máu rỉ ra thì để hở cho khô. Nếu máu chảy nhiều hơn chút ít thì đặt miếng gạc lên vết thương và băng lại hoặc dùng băng keo băng kín.

1.2 Trường hợp vết thương chảy máu nhiều: Rửa tay trước và sau khi sơ cứu chảy máu Xác định vị trí nơi chảy máu để xử lý đúng phương pháp Bảo nạn nhân hoặc sơ cấp cứu viên dùng các ngón tay ép chặt lên hai mép vết thương ít nhất 5 - 10 phút để cầm máu. Đặt nạn nhân nằm xuống. Nếu vết thương ở tay hay chân, gác tay hoặc chân lên cao hơn so với tim đồng thời tay bạn vẫn ép chặt vết thương để cầm máu Phủ vết thương bằng miếng gạc sạch rồi băng lại, đừng băng chặt quá làm tắc nghẽn lưu thông của máu. Kiểm tra lại, nếu thấy máu còn chảy thấm qua lớp băng thì đặt thêm miếng gạc nữa rồi băng phủ lên, không được tháo lớp băng lần đầu ra Nếu băng ở các chi, phải thường xuyên kiểm tra các ngón xem màu da có hồng và có ấm không, nếu da các ngón tái tím và lạnh thì phải nới lỏng băng để máu lưu thông Nếu có dấu hiệu sốc như xanh tái, mệt, lạnh, nhớp nháp mồ hôi thì phải chống sốc.

Câu 14. Nêu cách sơ cứu vết thương chảy máu hở

Đáp án: Vết thương chảy máu hở có hai loại: Máu động mạch Máu tĩnh mạch Máu đỏ tươi vì giàu oxy Máu đỏ sẫm vì bị giảm oxy Chảy thành tia do áp lực của nhịp tim Không thành tia Số lượng nhiều Số lượng ít

- Máu chảy ra từ các mao mạch thường chậm, số lượng ít và các mao mạch có thể tự hàn gắn được theo cơ chế đông máu.

- Cần phân biệt máu chảy ra từ vết thương động mạch hay tĩnh mạch, vì liên quan đến cách sơ cấp cứu:

- Đối với vết thương tĩnh mạch ở các chi, khi sơ cứu, bạn chỉ cần băng ép cũng đủ để cầm máu. Nếu vết thương sâu rộng, máu chảy nhiều thì đặt nhiều gạc sâu vào trong vết thương rồi mới băng ép.

- Đối với vết thương động mạch ở các chi, nếu băng ép không cầm được máu thì cán bộ y tế phải đặt ga rô. Sơ cấp cứu viên chỉ được phép đặt ga - rô nếu được học tập và thực hành thành thạo.

* Nguyên tắc khi đặt ga - rô: - Phải biết chắc là máu từ động mạch mới được đặt ga - rô để cầm máu

- Ép động mạch phía trên vết thương, chỗ động mạch đi qua trên nền xương cứng trước khi đặt ga - rô.

- Đặt ga - rô cao su hoặc ga - rô vải, cách mép vết thương 3 - 5cm phía trên - Xoắn ga - rô hay rút ga - rô từ từ đến khi nào máu ở vết thương hết chảy hoặc động mạch ở phía dưới không còn dập là được.

Câu 15. Nêu cách sơ cấp cứu khi hóa chất vào mắt

Trả lời: - Rửa mắt bị tổn thương dưới vòi nước lạnh ít nhất 10-15 phút. - Nếu khi nhắm mắt lại mà bị đau thì nhẹ nhàng kéo mí mắt ra để rửa, cẩn thận đừng để nước nhiễm bẩn chảy sang mắt kia. - Đặt gạc vô trùng và băng mắt lại. - Chuyển đi bệnh viện tiếp tục điều trị. Bỏ:

Câu 16. Nêu cách sơ cấp cứu khi bị ngộ độc Xyanua và hít thở phải hơi khí độc

Đáp án: - Sơ cấp cứu ngộ độc xyanua: - Chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm. - Cởi bỏ quần áo bị nhiễm xyanua. - Bơm và thở oxi nếu có sẵn. - Nếu có nuốt khỏi xyanua mà nạn nhân còn tỉnh táo thì phải làm cho nôn ra bằng cách dùng ngón tay ngoáy vào thành sau họng, cứ 15 phút nhắc lại một lần. - Khẩn trương chuyển nạn nhân đến bệnh viện. Sơ cấp cứu khi hít thở phải khí độc: Di chuyển nạn nhân ra khỏi vùng có khí độc. Bạn phải bảo vệ mình bằng mặt nạ phòng độc hoặc bằng khẩu trang, khăn dúng nước vắt ẩm che mũi và miệng. Đặt nạn nhân nằm ở tư thế hồi phục. Cho thở oxi, nếu có. Nếu nạn nhân bất tỉnh kiểm tra nhịp thở và mạch đập. Làm hô hấp nhân tạo nếu cần.

Câu 17. Nêu cách sơ cứu nạn nhân bị tai nạn vùi lấp (do sập hầm lò, sập đổ nhà xưởng…)

Đáp án: Trong môi trường lao động, cũng có khi xảy ra tai nạn vùi lấp hàng loạt như bị sập hầm lò, sập đổ nhà xưởng… * Những tổn thương:

- Bị vỡ sọ, gẫy xương sống, gãy xương các chi, vỡ các phủ tạng vùng ngực, bụng.

- Các vết thương khác nhau gây chảy máu

- Có thể bị ngạt thở nếu bị vùi lấp kín - Đặc biệt, nếu chân tay bị đè lâu từ hai giờ trở lên thì bị tê dần rồi không thấy cảm giác nữa, sưng to, sau đó dẫn đến sốc nặng, có thể chết nhanh chóng. Đó gọi là hội chứng vùi lấp

* Cấp cứu vùi lấp rất phức tạp, phải có đủ phương tiện mới có khả năng cứu sống nạn nhân được.

* Một số nguyên tắc sơ cấp cứu nạn nhân bị vùi lấp:

- Phải đào bới thật nhanh đưa nạn nhân ra khỏi đống vùi lấp, càng sớm càng tốt. Trước hết phải bới thật nhanh một lỗ hở cho nạn nhân thở được, rồi tiếp tục bới rộng để kéo họ ra. Nếu tay chân bị vùi lấp mà kịp đào bới sớm trước hai tiếng đồng hồ thì ít bị hội chứng vùi lấp.

- Khi đưa nạn nhân ra khỏi đống vùi lấp, việc đầu tiên là kiểm tra xem nếu bị ngạt thở thì làm hồi sức hô hấp. - Sau đó kiểm tra các tổn thương khác nếu có để có biện pháp sơ cứu phù hợp.

- Băng ép chỉ bị vùi lấp bằng băng cuộn, nhưng để hở đầu chi để dễ quan sát

- Cho uống các loại nước lợi tiểu như nước đường hoặc dung dịch ORESOL - Chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.

Câu 18. Nêu cách xử lý vết thương ngực, bụng?

Đáp án: * Xử lý vết thương:

- Đối với vết thươ ngực: dùng băng, băng kín vết thương.

+ Dùng băng, băng kín vết thương nhỏ: dùng gạc sạch, bôi thuốc mỡ và ép vết thương lại.

+ Đối với vết thương lớn, thấy khí phì phò qua vết thương khi bệnh nhân thở, thì phải làm nút gạc (nút DEPAGE) để bịt kín: Đặt một miếng gạc to đã mở rộng vào sâu trong vết thương, sao cho các mép gạc xòe ra ngoài, rồi nhét một số gạc dài vào trong cho chặt, sau đó đặt thêm gạc bên ngoài lồng ngực rồi buộc túm lại. Có thể bôi thêm thuốc mỡ vào gạc sạch đặt bên ngoài sau đó băng lại. Đặt bệnh nhân ở tư thế nửa nằm, nửa ngồi.

-Đối với vết thương bụng:

+ Nếu trên vết thương không thấy lòi ruột ra ngoài thì sát khuẩn xung quanh vết thương rồi băng lại.

+ Nếu thấy trên vết thương có lòi ruột ra ngoài thì không được nhét ruột vào ổ bụng. Dùng một bát sạch úp lên rồi băng lại.

* Chuyển ngay bệnh nhân về tuyến trên điều trị.

Câu 19. Phân loại và nêu cách sơ cứu vết thương bụng.

Đáp án: Phân loại, dấu hiệu, của vết thương bụng: Vết thương bụng chia làm 2 loại:

* Vết thương thành bụng: Vết thương đơn thuần ở thành bụng như các vết thương phần mềm khác. Toàn thân ít thay đổi.

* Vết thương thấu bụng: Vết thương xuyên thủng thành bụng, có thể gây tổn thương hoặc không gây tổn thương nội tạng bên trong ổ bụng. Các dấu hiệu chính:

- Đau tại chỗ vết thương, sau đó lan ra khắp bụng.

- Buồn nôn, nôn.

- Bí trung, đại tiện: khi bệnh nhân đến muộn.

- Sốc: Khi có tổn thương các tạng trong ổ bụng. - Tại vết thương có thể thấy ruột. Mạc nối lớn lòi ra ngoài hoặc có dịch tiêu hóa và máu chảy ra.

* Xử lý vết thương:

- Nếu trên vết thương không thấy lòi ruột ra ngoài thì sát khuẩn xung quanh vết thương rồi băng lại.

- Nếu thấy trên vết thương có lòi ruột ra ngoài thì không được nhét ruột vào ổ bụng. Dùng một bát sạch úp lên rồi băng lại

- Chuyển ngay bệnh nhân về tuyến trên điều trị

Câu 20. Phân loại và nêu cách sơ cứu vết thương ở ngực

Đáp án: Phân loại, dấu hiệu của vết thương ngực: vết thương ngực được chia 2 loại:

- Vết thương thành ngực đơn thuần: Tổn thương chỉ ở thành ngực, giống như các vết thương phần mềm khác. Vết thương có thể giập nát hoặc gọn.Toàn thân ít ảnh.

- Vết thương ngực - phổi: Vết thương xuyên thủng thành ngực, làm khoang màng phổi thông với bên ngoài. Sau khi bị thương, vết thương có thể tự bịt kín hoặc vẫn còn hở.

* Các dấu hiệu chính:

- Da nhợt nhat, vã mồ hôi.

- Đau tức ngực, khó thở, ho.

- Có thể có khí phì phò qua vết thương mỗi khi bệnh nhân thở.

- Bệnh nhân có thể bị sốc. * Xử lý vết thương: dùng băng, băng kín vết thương.

- Dùng băng, băng kín vết thương nhỏ: dùng gạc sạch, bôi thuốc mỡ và ép vết thương lại.

- Đối với vết thương lớn, thấy khí phì phò qua vết thương khi bệnh nhân thở, thì phải làm nút gạc (nút DEPAGE) để bịt kín: Đặt một miếng gạc to đã mở rộng vào sâu trong vết thương, sao cho các mép gạc xòe ra ngoài, rồi nhét một số gạc dài vào trong cho chặt, sau đó đặt thêm gạc bên ngoài lồng ngực rồi buộc túm lại. Có thể bôi thêm thuốc mỡ vào gạc sạch đặt bên ngoài sau đó băng lại.

- Đặt bệnh nhân ở tư thế nửa nằm, nửa ngồi.

Câu 21. Đuối nước là gì? Nêu phương pháp cấp cứu đuối nước (khi đang ở dưới nước)?

Trả lời: Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu ôxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Đối với tai nạn này, việc sơ cứu ngay tại chỗ nhờ những người xung quanh là rất quan trọng, việc đưa tới bệnh viện chỉ nhằm cấp cứu những biến chứng. Vì khi ngập nước, chỉ trong vòng mấy giây là bắt đầu thiếu ôxy và sau 5 phút ngập nước, tim sẽ ngừng đập, não sẽ không hồi phục được. Do đó việc cấp cứu phải tiến hành nhanh. Nạn nhân bị đuối nước có thể bị đuối nước lạnh, nước nóng, nước ngọt, nước mặn vì thế việc sơ cứu cũng phụ thuộc vào nước (nếu nước lạnh thì tìm cách hạ thân nhiệt, nước nóng dễ bị thiếu ôxy não...).

* Cấp cứu đuối nước:

- Nắm tóc kéo đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, tát mấy cái thật mạnh vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại. - Nhanh chóng quàng tay qua nách, hoặc gọi thêm người hỗ trợ đưa nạn nhân vào bờ. - Cấp cứu tại chỗ là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân, nếu xử trí chậm nạn nhân bị thiếu ôxy não rất khó cứu sống sau đó.

Câu 22. Nêu cách cấp cứu đuối nước tại chỗ ngay sau khi vớt lên bờ?

Trả lời:

- Khi đưa được nạn nhân lên bờ hay lên thuyền phải tiến hành hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt ngay:

- Khai thông đường hô hấp bằng cách đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi đường thở và miệng nạn nhân.

- Đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân.

- Nếu ngừng tim (sờ mạch quay không có) phải ép tim ngoài lồng ngực:

+ Dùng hai tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. + Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2-3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10-15 nhịp.

+ Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại.

- Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn.

- Nếu nạn nhân ngừng thở và không nghe thấy tiếng tim đập nữa thì kết hợp thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực. Có thể tiêm thuốc trợ tim: long não, cafein... Sau 2-3 giờ cấp cứu mà tim không đập trở lại, đồng tử mắt vẫn giãn to là hết hy vọng cứu sống.

-Khi gặp trẻ đuối nước người ta thường vác dốc ngược trẻ trên vai, động tác dốc ngược nạn nhân chỉ có tác dụng khai thông vùng họng và miệng, vì vậy không nên thực hiện ở người lớn và không nên làm quá 1 phút ở trẻ em.

- Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu.

- Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân. - Khi tim đập trở lại, nạn nhân có thể thở yếu, cần cho thở hỗ trợ và theo dõi cấp cứu nếu thấy ổn định, chuyển nạn nhân về tuyến sau.

Câu 23. Nêu cách sơ cứu bỏng điện?

Đáp án: Khi phát hiện nạn nhân bị bỏng điện cần khẩn trương ngắt nguồn điện ra khỏi người nạn nhân. Cần thận trọng trong quá trình ngắt điện, cần dùng vật cách điện như bao tay, que gậy khô.

- Bỏng điện rất nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng đến nhịp tim.

- Vết bỏng có thể chỉ biểu lộ ra bên ngoài dưới dạng bỏng nhẹ, nhưng nguy cơ phá huỷ khi bị bỏng điện là rất cao, thậm chí nó sẽ ăn sâu vào bên trong dưới lớp biểu bì. Vì thế sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

* Chú ý: Khi sơ cứu bỏng. không được: - Không dùng đá để chườm trực tiếp lên vết bỏng, sẽ gây nên những hậu quả khó lường

Không bôi mỡ hay dầu lên vết bỏng.

Bôi mỡ hay dầu cá sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, gây nhiễm trùng.

- Không nên buộc gạc quá chặt để tránh sức ép lên vết thương.

- Ở chỗ da bị bỏng thường xuất hiện túi phỏng có chứa dịch lỏng bên trong.

Bạn không nên chọc vỡ nó mà hãy để nó tự vỡ, để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng.

Câu 24. Nêu cách sơ cứu Bỏng nặng (bỏng hóa chất)?

Đáp án: -Dùng nước lạnh để dội sạch các hoá chất dính trên cơ thể nạn nhân. Nếu như đó là loại hoá chất quá mạnh như bỏng vôi, có thể dùng bàn chải hay chổi lông để loại bỏ nó sau đó mới xả nước.

- Cởi bỏ quần áo, đồ trang sức bị dính hoá chất.

- Bọc vùng bị bỏng bằng vải khô hay gạc khô để tránh nhiễm trùng.

- Nếu vết bỏng xảy ra ở mắt, cần phải nhanh chóng rửa mắt ngay với nước, rửa nhiều lần để loại bỏ hết hoá chất trong mắt. Ngâm mắt trong nước ít nhất 20 phút. Sau khi rửa xong, nhắm mắt và băng lại bằng gạc mỏng.

Câu 25. Phân loại bỏng và nêu cách sơ cứu bỏng nhẹ?

Đáp án:

* Phân loại: Bỏng được chia làm ba loại:

+ Bỏng độ I: Da đỏ lên, chỉ ảnh hưởng đến lớp da ở nông nhất, vết bỏng lành nhanh nhưng da bị tổn thương có thể tróc ra sau đó vài ngày. Rám nắng được xếp vào loại bỏng độ 1.

+ Bỏng độ 2: Da bị tổn thương sâu hơn, tạo bóng nước. Tuy nhiên một phần chân bì (phần sâu của da) vẫn còn nên da có thể tái tạo lại được.Vì vậy, bỏng độ 2 thường lành, không để lại sẹo, trừ khi diện tích bỏng quá rộng.

+ Bỏng độ 3: Huỷ hoại toàn bộ bề dầy của da. Vùng da bỏng có mầu trắng hoặc cháy sém.Nếu bỏng sâu có thể tới cơ và xương. Bề sâu của vết bỏng tuy quan trọng cho việc vết bỏng thành sẹo tốt hoặc xấu nhưng chính bề mặt vết bỏng là yếu tố quan trong quyết định việc biến chuyển toàn thân của người bỏng: bề mặt da bị bỏng càng rộng càng nguy hiểm cho tính mạng vì mất nhiều nước và đau nhiều. Bỏng chiếm trên 15% diện tích được coi là bỏng nặng.

* Cách sơ cứu: - Dập tắt nguyên nhân gây bỏng. - Nhúng vùng bị bỏng vào vòi nước lạnh ngay lập tức. - Hoặc đắp chỗ bỏng bằng gạc (khăn tay hoặc khăn tắm) thấm nước lạnh cho đến khi bớt đau. - Tháo hết các đồng hồ, vòng đeo tay, nhẫn, dây thắt lưng hoặc quân áo chật tại vùng bị bỏng trước khi chỗ bỏng sưng lên. - Băng lại bằng gạc sạch (vô trùng).

Câu 26. Nêu cách sơ cứu nạn nhân bị tổn thương cột sống hoặc xương cổ:

Đáp án: - Trấn an nạn nhân, giữ cho họ không được cử động - Đặt 2 bàn tay 2 bên tai nạn nhân để giữ cho đầu cố định ở giữa. - Cố định đầu bằng cách cuốn vải thành cổ áo và đặt quanh cổ nạn nhân. Không để cổ và sống lưng cong. - Luôn giữ cho cổ và cơ thể trên 1 đường thẳng cả khi đặt nạn nhân vào cáng cứng và trong khi vận chuyển. Dùng gối, đệm cát chèn 2 bên đầu, 2 bên cổ nạn nhân.

* Chú ý: - Nếu cột sống bị gãy thì nạn nhân có khả năng không di chuyển được nữa. Nạn nhân sẽ không cử động, bạn phải gọi ngay sự hỗ trợ của đội cấp cứu y tế. - Nếu xương sọ bị vỡ có thể máu sẽ chảy ra ngoài tai hoặc mũi, nạn nhân có thể bất tỉnh. Chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Dấu hiệu cho thấy xương gãy hoặc vết thương tiến triển xấu: - Sốt - Đau và tiếp tục sưng tấy. -Các ngón tay và ngón chân trở nên xám lạnh. - Có mủ chảy ra từ vết thương.

Câu 27. Nêu cách sơ cứu nạn nhân bị gãy xương đòn và nạn nhân bị gãy xương sườn?

Đáp án:

Gãy xương đòn:

- Đỡ nạn nhân ngồi xuống. Băng kiểu số 8 từ 2 mỏm vai qua lưng cho lồng ngực ưỡn ra để xương gãy không đâm vào đỉnh phổi.

- Hoặc đặt tay phía xương đòn gãy chéo ngang ngực và buộc bằng băng treo, rồi cố định cánh tay với ngực bằng băng cuộn lớn trên băng treo.

Gãy xương xườn:

- Nhanh chóng băng vết thương bằng băng dính.

- Dùng băng treo cố định bên phía bị gãy sườn để đỡ trọng lượng của tay. - Chuyển nạn nhân trong tư thế ngồi tựa sang bên đau.

Câu 28. Nêu cách cấp cứu nạn nhân bị gãy xương đùi hoặc xương chậu?

Đáp án:

- Đỡ nạn nhân nẳm ngửa.

- Đặt 2 nẹp: Một nẹp phía trong đầu trên sát bẹn, đầu dưới quá mắt cá chân. Một nẹp phia ngoài, đầu trên sát hố nách, đầu dưới quá mắt cá chân. Cố định 2 nẹp vào chi bằng 5 nút buộc như sau: 1 nút sát đầu nẹp trong, 2 nút ở hai đầu trên và dưới chỗ xương gãy, một nút ngang đầu gối và một nút sát cổ chân. -Sau cùng buộc chân gãy vào chân lành.

- Vận chuyển bằng cáng cứng.

Câu 29. Nêu cách sơ cứu nạn nhân bị gãy xương cổ tay và nạn nhân bị gãy xương bàn tay, ngón tay

Đáp án:

* Gãy xương cổ tay:

- Cố định bằng băng tam giác, băng cuộc như gãy xương cánh tay.

- Hoặc cố định bằng 2 nẹp:

- Đặt 2 nẹp, một bên trong và một bên ngoài, cả 2 nẹp đặt từ quá khuỷu tay, đến các đầu ngón tay.

- Cố đinh 2 nẹp vào cẳng tay.

- Treo ở tư thế ngửa bàn tay lên phía trên, và buộc ép vào người.

* Gãy xương bàn tay và ngón tay:

- Nếu nạn nhân mang nhẫn thì tháo bỏ ngay trước khi sưng tấy. Cố định ngón tay gãy với ngón tay lành.

- Đặt miếng đệm ở long bàn tay để giữ cho bàn tay ở tư thế ngửa bàn tay lên phía trên, xong dùng nẹp cố định bàn tay, có xương gãy với cẳng tay.

- Dùng băng chéo treo cẳng tay có ngón tay gãy lên.

Câu 30. Nêu cách sơ cứu gãy xương?

Đáp án: - Nếu có vết thương khác phải sơ cứu vết thương đó trước, nhưng không được làm lệch chỗ gãy xương.

- Phải cố định trên ổ gãy 1 khớp và dưới ổ gãy 1 khớp.

- Cố định chi gãy theo tư thế cơ năng: Chi trên cố định gấp khuỷu tay 900 . Chi dưới duỗi thẳng 1800 .

-Trường hợp gãy hở cần chú ý:

+ Không được kéo đầu xương gãy vào trong ổ gãy.

+ Băng bó vết thương rồi cố định theo tư thế gãy. Sau khi cố định, buộc chỉ gãy với phần lành của cơ thể để giảm bớt sự di lệch. + Gãy chi trên buộc ép với than mình.

+ Gãy chi dưới buộc ép với chi lành.

 

XEM   PHẦN 1  (CLIK VÀO XEM)

XEM   PHẦN 2  (CLIK VÀO XEM)

FORM TƯ VẤN - ĐĂNG KÝ HỌC 
Hotline: 0966 86 86 41
Call / Zalo: 0966 86 86 41 (Hỗ trợ 24/7)